Trong thời gian đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid - 19, với phương châm “
Dừng đến trường, không dừng việc học”, chuyển sang dạy học trực tuyến là lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chính điều kiện ấy cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường không hề kém. Đến nay, việc dạy, việc học online đã trở thành một trong những hoạt động thiết yếu, duy trì sự liên tục trong học tập của học sinh, tạo nền tảng góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT. Tuy nhiên, việc thay đổi không gian trực tiếp vốn quen thuộc trước học trò thành không gian trực tuyến để giảng bài khiến thầy cô gặp rất nhiều khó khăn trong việc bao quát giờ học và cách thức truyền thụ kiến thức cho học sinh. Học trực tuyến cũng đòi hỏi ý thức tự giác của trò cao hơn. Thực tế vẫn còn nhiều học sinh chưa thật tự giác nên bị giảm sự tập trung trong giờ học. Việc quản lí nề nếp, ý thức của học sinh không được trực tiếp nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình và kết quả học tập. Đó cũng là những trăn trở, những suy tư của ngành Giáo dục nói chung và các thầy cô giáo trường THCS Thạch Bàn nói riêng.
Ngay từ đầu năm học 2021 - 2022, nhận thấy tình hình đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát với những diễn biến phức tạp, việc dạy và học trực tuyến giờ đây đã trở thành một hoạt động bắt buộc và kéo dài, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Long Biên thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của giáo viên khi dạy học trực tuyến nên đã tổ chức mời chuyên gia tập huấn, bồi dưỡng 08 chuyên đề về Ứng dụng CNTT cho toàn bộ GV các cấp trên địa bàn quận. Qua các buổi tập huấn, GV được trang bị thêm rất nhiều phần mềm hỗ trợ dạy học online hiệu quả bên cạnh các phần mềm đã quen thuộc, như Whiteboard, Scrble Ink, Padlet,… CB – GV trường THCS Thạch Bàn đã tích cực tham gia các buổi tập huấn, đồng thời tự trau dồi, nâng cao kĩ năng sử dụng CNTT trong dạy học, áp dụng trực tiếp vào các bài giảng của mình.
Với tinh thần lan tỏa phong trào Ứng dụng CNTT trong dạy học dựa trên phương châm “
Người biết giúp đỡ người chưa biết”, từng nhóm GV trao đổi, hỗ trợ lần nhau trong việc đưa ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Điều này thể hiện cố gắng nỗ lực, tự học hỏi của các thầy cô giáo để có những kĩ năng cần thiết ứng dụng CNTT hiệu quả trong công tác và giảng dạy.
Bên cạnh việc chuẩn bị một cách đầy đủ, chu đáo, GV chủ động đưa các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến vào trong quá trình giảng dạy của mình đã mang lại những tiết dạy trực quan sinh động, tạo hứng thú cho học sinh và khơi gợi sáng tạo từ học trò. Đó cũng là công cụ đắc lực hỗ trợ việc ôn tập, kiểm tra, đánh giá học sinh trong thời gian học trực tuyến. Bản thân mỗi GV đều nhận ra những hiệu quả của phần mềm hỗ trợ CNTT mang lại trong quá trình soạn giảng. Thay vì những bài giảng chỉ trình chiếu Powerpoint, các thầy cô đã có những hướng tiếp cận mới với nội dung và phương pháp truyền đạt trong dạy học: sử dụng các đồ họa, hình ảnh, âm thanh, hoạt cảnh, phần mềm vẽ hình (hình học), phần mềm thí nghiệm ảo, … tăng tương tác với học trò.
Tiết chào cờ lớp 9C trên phần mềm Microsoft Teams
Sử dụng phần mềm PHET trong tiết học Vật lí của cô giáo Phạm Thị Ngân
Sử dụng phần mềm Scrble Ink giờ Toán
Không chỉ vậy, hiệu ứng linh hoạt của các phần mềm cũng giúp cho bài học sinh động, kích thích hứng thú tìm tòi và sáng tạo của các em. Học sinh được quyền chủ động khám phá kiến thức bằng công nghệ số, đây cũng là tiện ích mà công nghệ số đem lại, tăng tính tương tác giữa thầy và trò trong các tiết học. Sau mỗi tiết học, mỗi lớp lại là một ngôi nhà chung để thầy và trò cùng nhau chia sẻ những phương pháp học tập, nhắc nhở nhau cùng thực hiện tốt các nội quy, động viên nhau vượt qua những khó khăn trong điều kiện học tập trực tuyến khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Thư viện lớp học 6D – trường THCS Thạch Bàn trên Padlet
Không thể phủ nhận hiệu quả mạnh mẽ mà các Ứng dụng CNTT mang lại với những tác động tích cực với cả thầy và trò. Tuy nhiên, mỗi phần mềm, công cụ hỗ trợ đều có ưu điểm và hạn chế của nó. Chính bởi vậy, dù đã tích cực sử dụng CNTT trong dạy học nhưng các thầy cô giáo trường THCS Thạch Bàn vẫn không ngừng nỗ lực, trau dồi chuyên môn, kĩ năng để mang lại hiệu quả cao nhất của việc giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của ngành GD&ĐT cũng như sự tin tưởng của phụ huynh và học trò.
Một số hình ảnh sử dụng phần mềm khác của các thầy cô trường THCS Thạch Bàn:
Phần mềm EDUBIA sử dụng trong dạy học môn Tiếng Anh của cô giáo Phùng Thị Duyên
Ứng dụng phần mềm Sketpad của cô giáo Nguyễn Thùy Linh
Phần mềm Scrble Ink và phần mềm mô phỏng máy tính Casio được thầy Trương Bá Minh ứng dụng trong giờ Toán
Phần mềm Classpoint được cô giáo Phạm Thị Ngân sử dụng trong một hoạt động nhóm của môn Vật lí
Phần mềm Quizziz được sử dụng trong giờ Văn
GV sử dụng phần mềm Microsoft Forms trong quá trình ôn tập và kiểm tra HS