Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng vào năm 1896 với tên gọi là Đề lao Trung ương (Maison Centrale). Tuy nhiên, do được xây trên đất của làng Phụ Khánh, thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương – một làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung nên có tên là Hỏa Lò. Từ đó, nhà tù này cũng được gọi là nhà tù Hỏa Lò hay ngục thất Hà Nội.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò tái hiện đầy sống động cuộc sống tù đày gian khổ, các hình thức tra tấn dã man, cũng như cách trảm quyết các nhà cách mạng yêu nước của Việt Nam bằng máy chém. Có rất nhiều lãnh đạo và các nhà cách mạng tiêu biểu của Việt Nam đã từng bị giam giữ ở đây. Sau Hiệp định Paris năm 1954, Chính phủ Việt Nam đã tiếp quản và sử dụng Nhà tù Hỏa Lò để làm nhà tù dân sự và đổi tên thành Trại tạm giam phạm nhân Hà Nội, trực thuộc quyền quản lý của Công an thành phố Hà Nội. Từ năm 1964 đến năm 1973, Nhà tù Hỏa Lò còn là nơi giam giữ phi công Mỹ, trong số đó có Douglas Peterson, về sau là Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam và Thượng nghị sĩ John McCain, người có vai trò tích cực trong việc phát triển bình thường hóa mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Sau năm 1993, một phần phía Đông Nam của Nhà tù Hỏa Lò được tôn tạo, giữ gìn thành Khu lưu niệm Nhà tù Hỏa Lò, và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành cao ốc thương mại có tên Tháp Hà Nội.
Trong khuôn viên di tích còn có đài tưởng niệm để khắc tạc hình ảnh lao tù khổ ải và tưởng nhớ các chiến sĩ, nhà cách mạng đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò được chia thành bốn khu A, B, C, D riêng biệt, trong đó: Khu A và B dành cho phạm nhân đang được điều tra, tội nhẹ, hoặc vi phạm kỷ cương của nhà tù; Khu C dành cho phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc; Khu D dành cho các phạm nhân tội nặng và đang chờ tử hình.
Tới đây các em được sống lại, cùng trải qua một thời máu lửa của ông cha, tận mắt chứng kiến sự gian khổ, hy sinh phải trả bằng xương, bằng thịt để đổi lấy nền độc lập, tự do của dân tộc... Qua buổi trải nghiệm tham quan thực tế, các Đoàn viên thanh niên mới của trường THCS Thạch Bàn sẽ quyết tâm phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, vượt qua gian khổ, tích cực học tập và tu dưỡng rèn luyện đạo đức, biến ngọn lửa nhiệt huyết, rực cháy trong tim mình thành những hành động, việc làm thực tế góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Một số hình ảnh của buổi tham quan: