Chế độ chính trị của nước ta dựa trên 3 trụ cột: Đảng - Nhà nước - Nhân dân với các chức năng: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Muốn chế độ vững bền phải củng cố, xây dựng tốt 3 trụ cột này. Và Đảng phải trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Vì thế xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân là nhiệm vụ sống còn để duy trì và giữ vững chế độ chính trị ở nước ta.
Trong bản Di chúc thiêng liêng, vấn đề đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến cũng chính là Đảng. Người căn dặn: Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đó là bài học ý nghĩa, mang tính chất sống còn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp cách mạng.
Được kết nạp Đảng từ năm 23 tuổi khi đang còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, giờ đã 65 năm tuổi Đảng, ông Ngô Văn Sửu khẳng định những lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc luôn phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và Đảng ta.
Theo ông Sửu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi xây dựng Đảng là vấn đề quan trọng. “Nếu không xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh thì không thể lãnh đạo được cách mạng. Trong bao nhiêu năm qua thực tiễn đã chứng minh rằng lúc nào Đảng yếu thì phong trào cách mạng giảm sút. Thời gian qua công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều thành tựu. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến tốt, được nhân dân đánh giá cao. Bởi có trong sạch, vững mạnh mới lãnh đạo đất nước phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân”- ông Sửu nói đồng thời cho rằng, nguyên tắc quan trọng của xây dựng Đảng là tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Do đó nếu thấy thiếu sót, hạn chế thì cần phấn đấu để tự sửa.
Cũng theo ông Sửu, Đảng và mỗi đảng viên phải có tính chiến đấu thì mới dám tự phê bình và phê bình. Mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên phải duy trì nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong bối cảnh hiện nay càng cần phải quan tâm đến vấn đề này. Ông Sửu cũng bày tỏ, Đảng cần quan tâm đến nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhất là trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua đã chỉ rõ các vi phạm chủ yếu về nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc.
“Trước hết là dân chủ trong Đảng. Bởi không dân chủ sẽ không thể tự phê bình và phê bình. Trong tổ chức đảng nếu không dân chủ sẽ chẳng ai dám phê bình do phê bình xong bị để ý, thành kiến, trù úm thì ai dám phê bình. Do đó mới có chuyện “đấu tranh thì tránh đâu”. Đây là vấn đề được tổng kết từ trong thực tiễn. Có người phê bình thẳng thắn thì bị trù úm, đẩy đi. Từ đó làm cho phê bình bị thui chột dần. Vì thế càng phải quan tâm đẩy mạnh chú trọng tới tự phê bình và phê bình trong Đảng. Cán bộ đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Vì thế Trung ương đã ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đảng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tròn trách nhiệm là đội tiên phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân.
Phương hướng chung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm cho Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp của đất nước không ngừng phát triển.