Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni-lông, các loại ly, ống hút nhựa... đang trở nên rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cùng với thảm họa từ túi ni-lông, để bắt kịp với xu hướng đồ uống mang đi, đáp ứng sự tiện lợi, gọn nhẹ và dễ dàng quảng bá thương hiệu, hầu hết các cửa hàng kinh doanh đồ uống, trà sữa hiện nay đã không còn sử dụng ly thủy tinh mà thay vào đó là ly nhựa có gắn logo thương hiệu. Chủ một chuỗi cửa hàng trà sữa ở Thành phố Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày, mỗi cửa hàng trà sữa của anh tiêu thụ khoảng 500-600 ly nhựa kèm theo túi ni-lông. Nguyên nhân lựa chọn ly nhựa là do đa số người mua mang đi nên cần tiện lợi, nhanh và giá thành bao bì rẻ trong khi giá thành cho các loại ly, bao bì bằng giấy thân thiện với môi trường lại thường cao gấp đôi giá ly nhựa, túi ni-lông(!). Với đặc tính bền, khó phân hủy khiến rác thải từ các sản phẩm này đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới và nếu tính riêng rác thải nhựa xả xuống biển thì Việt Nam đứng thứ 4 thế giới. Các loại nhựa sử dụng một lần phổ biến nhất được tìm thấy trong môi trường là nắp - chai nhựa, giấy gói thực phẩm, túi, ống hút... từ nhựa.
Trước sự nguy hại của việc sử dụng tràn lan các sản phẩm từ nhựa dùng một lần, thời gian qua, tại các địa phương trên cả nước đã có nhiều hoạt động chung tay đẩy lùi rác thải nhựa. Điều đáng mừng là nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã bắt đầu áp dụng việc dùng lá chuối để gói nông sản thay cho túi ni-lông, nhiều cửa hàng đã áp dụng các phong trào như: sử dụng vật liệu dễ tiêu hủy hoặc tái chế, sử dụng túi đựng và ly dùng nhiều lần thay cho sản phẩm nhựa dùng một lần, áp dụng thêm việc sử dụng túi giấy cho các sản phẩm may mặc... để góp phần hạn chế rác thải. Một số cửa hàng ăn uống còn vận động khách hàng loại bỏ ống hút nhựa, sử dụng các khay đựng thực phẩm bằng bã mía hay thay các loại ống hút nhựa bằng ống hút tre, ống hút giấy... Một số bộ, ngành, địa phương đã đi tiên phong trong việc không dùng nước uống đóng trong chai nhựa, thay vào đó là dùng bình, cốc thủy tinh phục vụ nước uống cho đại biểu trong các cuộc họp. Điều đó có thể thấy sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, nhận thức của một bộ phận người dân đã có sự chuyển biến, từ đó dẫn đến thay đổi hành động có lợi cho môi trường.
Trước tình trạng rác thải nhựa đang đe dọa đến môi trường sống, tại lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào đầu tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi “nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa; phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”. Tuy nhiên đây là một vấn đề khá nan giải bởi hiện nay việc dùng các sản phẩm nhựa như túi ni-lông, bát đĩa, ly cốc, ống hút nhựa dùng một lần đã trở thành thói quen bởi sự tiện lợi mà để thay đổi thói quen không chỉ là một sớm một chiều. Để góp phần hạn chế sử dụng các loại túi ni-lông, bao bì nhựa dùng một lần..., trước hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân phối, bán lẻ cần chú trọng nhân rộng các mô hình hướng đến tiêu dùng “xanh”, chương trình ưu đãi giá, tăng cường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm theo hướng vì môi trường, vì cộng đồng. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình thay thế phù hợp đối với các loại túi ni-lông, bao bì nhựa sử dụng một lần, tạo thêm nhiều trào lưu thân thiện với môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Thời gian gần đây, Hiệp hội du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực xây dựng các mô hình, điểm đến được công nhận bền vững về môi trường, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ quản lý du lịch theo hướng bền vững, thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch theo đúng quy định, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xả rác làm ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, hạn chế ở mức thấp nhất rác thải nhựa, đặc biệt rác thải nhựa sử dụng một lần và có biện pháp thu gom, xử lý rác thải nhựa triệt để, dán các poster tại những khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn “xanh - sạch - đẹp - thân thiện với môi trường”, kết hợp với thu dọn rác thải, làm sạch môi trường.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của mỗi người dân, hy vọng “vấn nạn” rác thải nhựa sẽ từng bước bị đẩy lùi góp phần gìn giữ môi trường an toàn cho thế hệ mai sau.